Kiến thức y tế học đường

Sinh viên đang học  »  Kiến thức y tế học đường


Deltacron – biến chủng lai giữa Delta và Omicron có nguy hiểm?

 

Cơ quan An ninh Y tế Anh cho biết, giới chức nước này đã ghi nhận một ca nhiễm biến chủng lai giữa Delta và Omicron có tên gọi Deltacron. Liệu biến chủng này có quan ngại?

SKĐS - Ngày 10/1, nhà khoa khoa học người Cyprus Leonidos Kostrikis khẳng định tồn tại một chủng COVID-19 mới kết hợp các đặc điểm của các biến thể Delta và Omicron, hiện được gọi là Deltacron- tên do ông tự đặt. Nhiều người cho rằng đây là hệ quả của một lỗi kỹ thuật trong phòng thí nghiệm.

Mới đây, Cơ quan An ninh Y tế Anh thông báo, tuần vừa qua giới chức y tế nước này đã chính thức giám sát biến chủng lai giữa hai biến thể Delta và Omicron có tên gọi Deltacron sau khi ghi nhận một bệnh nhân nhiễm biến thể này.

TTXVN dẫn tin từ tờ Mirror cho biết, Deltacron được cho là xuất hiện ở bệnh nhân đã nhiễm cả 2 biến thể Delta và Omicron cùng một lúc, tuy nhiên hiện chưa rõ việc đột biến xảy ra đầu tiên tại Anh hay ở nước khác.

Deltacron – biến chủng lai giữa Delta và Omicron có nguy hiểm? - Ảnh 2.

Nước Anh đã ghi nhận một ca nhiễm biến chủng lai giữa Delta và Omicron có tên gọi Deltacron.

(Ảnh minh họa)

Ngoài đưa ra thông báo chính thức giám sát Deltacron, Cơ quan An ninh Y tế Anh không đưa ra cảnh báo nào khác. Nhìn chung, giới chức y tế nước này không đặc biệt quan ngại về biến chủng lai vì số ca nhiễm chưa nhiều.

Ông Paul Hunter - chuyên gia về bệnh truyền nhiễm (Đại học East Anglia) nhận định, Deltacron không gây ra quá nhiều nguy cơ. Bởi đa số người dân đã được tiêm phòng vaccine COVID-19 hoặc có mức độ miễn dịch nhất định sau khi nhiễm virus SARS-CoV-2.

Hai biến thể Delta và Omicron đều được công nhận là lây lan nhanh, tuy nhiên chưa rõ biến thể lai có thể lây lan mạnh ra sao và bằng cách nào. Cơ quan An ninh Y tế Anh không cho biết có phát hiện Deltacron ở các bệnh nhân khác hay không.

Theo Zing, đầu tháng 1, Giáo sư khoa học sinh học Leondios Kostrikis (Đại học Cypress, Cộng hòa Cyprus) đã phát hiện ra biến chủng lai Deltacron. Sau đó nhiều chuyên gia không công nhận đây là biến thể lai mà cho rằng Deltacron có thể chỉ là sản phẩm của sai sót nào đó hoặc hiện tượng nhiễm chéo trong phòng thí nghiệm.

Ngày 7/1, Giáo sư Kostrikis đã đăng tải 52 mẫu giải trình tự gene lên cơ sở dữ liệu GISAID - nơi các chuyên gia trên toàn cầu chia sẻ thông tin về những loại virus mới. Ông gọi chúng là “Deltacron” vì những dấu hiệu di truyền giống Omicron của nó trong bộ gene Delta.

Kết quả nghiên cứu của Giáo sư Kostrikis cho thấy, đã phát hiện tổng cộng 25 ca nhiễm biến chủng này sau khi giải trình tự 1.377 mẫu gene trong chương trình truy tìm các đột biến tiềm năng của SARS-CoV-2 ở Cyprus. Tần suất phát hiện biến chủng lai cao hơn ở những người nằm viện. Do đó, Giáo sư Kostrikis và cộng sự đã đặt giả thuyết về mối tương quan giữa Deltacron và tỷ lệ nhập viện. Đồng thời nhấn mạnh rằng còn quá sớm để kết luận về khả năng lây lan hay những tác động mà chủng Deltacron có thể gây ra.

Trước thông tin này, giới khoa học thế giới vào cuộc và nhiều ý kiến trái chiều được đưa ra. Đến nay, cuộc tranh luận về việc có hay không một biến chủng lai giữa Delta và Omicron vẫn chưa ngã ngũ. Tuy nhiên, sự xuất hiện ca bệnh mới từ Anh có vẻ như đang dần chứng minh giả thuyết của GS Kostrikis và cộng sự là đúng.

Với những thông tin ít ỏi hiện có, Deltacron vẫn chưa phải là biến chủng đáng lo ngại. Các chuyên gia vẫn khá thận trọng để đưa thêm bất kỳ cảnh báo nào về biến chủng đặc biệt này.

Theo suckhoedoisong.vn


  • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
  • Điện thoại: 0251 3952 778
  • Email: lachong@lhu.edu.vn
  • © 2023 Đại học Lạc Hồng
  915,818       4/874