Trong thời gian qua, rất nhiều trường hợp người dân khi ngủ không mắc màn (mùng) để chuột bò vào và cắn vào chân, ngón tay chảy máu. Một số người chủ quan xem thường không đi bệnh viên kiểm tra nên đã nhiễm bệnh từ chuột.
Trường hợp bệnh nhân N.V.K bị chuột cắn cách đây 2 tuần trong lúc đang gỡ chuột ra khỏi bẫy. Anh K. cẩn thận đi tiêm phòng. Thế nhưng sau một tuần, vết cắn sưng tấy dần, bệnh nhân sốt cao, ớn lạnh từng cơn, phải nhập viện điều trị.
Nửa đêm, đang ngủ thì chuột bò lên giường, chui vào chăn, anh T.Q.Q. thò tay tóm thì bị chuột cắn chảy nhiều máu. Anh Q. chỉ rửa tay bằng nước lã.
Ba ngày sau, vết thương lành, chỉ hơi sưng, và bắt đầu gây sốt. Anh Q. mua thuốc uống nhưng không đỡ, những ngón tay không bị cắn cũng bắt đầu đau, người đôi lúc choáng váng.
Bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư cho biết, đây là bệnh Sodoku do một loại xoắn khuẩn có tên là Spirillum minus gây ra.
Chuột cống, chuột đồng là nguồn lưu trữ mầm bệnh nhiều nhất. Trong máu của chúng có tới 10 đến 20% mang xoắn khuẩn. Khi bị chuột mắc bệnh cắn phải, xoắn khuẩn sẽ theo nước bọt chuột xâm nhập cơ thể qua vết cắn.
Chỗ cắn bị viêm rồi dần dần bị loét, kèm theo nổi hạch ở vùng lân cận. Xoắn khuẩn, lan tràn khắp cơ thể rồi cư trú trong các cơ quan như gan, thận, thượng thận, tinh hoàn, buồng trứng... Từ đây, xoắn khuẩn sẽ vào máu từng đợt gây ra các đợt sốt.
Nếu bệnh diễn biến nặng, không điều trị kịp thời, có thể bị biến chứng như viêm màng não, nhồi máu cơ tim, viêm gan, viêm màng phổi, viêm mào tinh hoàn, thiếu máu nặng.
Sinh viên chúng ta khi ở các nơi nhà trọ, cần hết sức lưu ý trong việc vệ sinh sạch sẽ nơi ở để bảo vệ sức khỏe cho mình. Sinh viên cần tránh thuê trọ ở những nơi không đảm bảo vệ sinh, nơi ở gần cống rãnh; thường xuyên vệ sinh nhà cửa, thu dọn rác gọn gàng; thức ăn cần đậy kín...
Khi ngủ, sinh viên cần ngủ màn (mùng) để phòng tránh bệnh từ chuột và muỗi.